Chắc hẳn các bạn đã từng nghe và có khi đã từng tin rằng cho trẻ uống sữa đậu sẽ làm dậy thì sớm đối với bé gái, bé trai thì có nguy cơ bị biến đổi hormone thành con gái. Đã có rất nhiều phụ huynh thật sự tẩy chay đậu nành ra khỏi chế độ dinh dưỡng của trẻ. Vậy thực hư như nào thì hãy cùng Bụt’s Shop đi tìm hiểu nhé!

Ảnh minh họa

Trong đậu nành có phải chứa nhiều Estrogen hay không?

Sự thật là, đậu nành không chứa estrogen, nhưng nó có chứa phytoestrogen. Chúng chủ yếu hiện diện dưới dạng 3 isoflavone khác nhau:

  • Daidzein
  • Genistein
  • Glycitein

Lượng isoflavone trong sữa đậu nành (và các sản phẩm đậu nành khác) có thể bị ảnh hưởng bởi các điều kiện nông nghiệp, giống đậu tương và chế biến. Bất kể nồng độ cụ thể của isoflavone trong ly sữa đậu nành của bạn, hãy yên tâm rằng phytoestrogen không giống như estrogen.

Sự khác biệt giữa Estrogen và Phytoestrogen

Estrogen là một nhóm hormone steroid, thường được phân loại là hormone giới tính nữ. Ba estrogen chính được sản xuất trong cơ thể phụ nữ là:

  • Estrone (E1)
  • Estradiol (E2)
  • Estriol (E3)
    Nổi bật nhất là estradiol (E2), được biết đến với tên khoa học là 17β-estradiol.
Sự tương đồng gần giống nhau của Estrogen và Isoflavone

Phytoestrogens, các hợp chất isoflavone có trong đậu nành là các hormone thực vật không steroid có cấu trúc tương tự như estrogen. Chúng có thể liên kết với hai loại thụ thể estrogen trong cơ thể, được gọi là ERα và ERβ, trong đó thụ thể thứ hai chiếm ưu thế hơn. 2 thụ thể này phân bố trong mô ở mức độ khác nhau, thực hiện chức năng khác nhau và đôi khi, các chức năng đối nghịch trong cơ thể khi được kích hoạt. Khi phytoestrogen liên kết với các thụ thể này, cơ thể bạn có thể phản ứng tương tự hoặc khác với khi estrogen liên kết với chúng.

Các bằng chứng hiện có của các nghiên cứu về ảnh hưởng của đậu nành trên quá trình dậy thì như thế nào?

Như vậy, Đúng là đậu nành có chứa phytoestrogen, có thể bắt chước estrogen trong cơ thể, và do đó, thường được quy kết là thủ phạm gây dậy thì sớm. Mặc dầu phytoestrogen gắn kết với thụ thể của estrogen trong cơ thể, chúng có tác dụng rất yếu và không thực sự là “bắt chước hormone” như cách mà các hóa chất tổng hợp có thể làm thay đổi sâu sắc bộ máy hormone tự nhiên của cơ thể.
Trên thực tế, đậu nành tự nhiên còn bảo vệ các bé gái khỏi tình trạng dậy thì sớm, thậm chí một vài trường hợp còn làm quá trình dậy thì diễn ra muộn hơn bình thường.

Ảnh minh họa

Điều này đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu. Một nghiên cứu dài hạn gần đây trong Chương trình Nghiên cứu Môi trường và Ung thư vú do NIH tài trợ (BCERP) chỉ ra rằng việc ăn đậu nành thậm chí có thể trì hoãn khởi phát dậy thì ở trẻ gái. Từ nghiên cứu này trên 1.200 bé gái cho thấy những bé tiêu thụ lượng đậu nành nhiều hơn có thể bước vào tuổi dậy thì muộn hơn so với những người ăn ít đậu nành. Thời báo dinh dưỡng Châu Âu khẳng định rằng tiêu thụ sữa công thức có đậu nành ở nhũ nhi không liên quan đến tuổi khởi phát dậy thì.

Trên một nghiên cứu khác của Mỹ năm 2008 tiến hành trên 1239 bé gái tuổi từ 6-8 tuổi và theo dõi 7 năm liền cho thấy không thấy sự liên quan giữa thời điểm dậy thì và nồng độ isoflavone trong nước tiểu.
Nghiên cứu khác của Mỹ năm 2015 lại 1 lần nữa cho thấy đậu nành không gây dậy thì sớm, mà ngược lại còn làm tình trạng phát triển ngực chậm hơn bình thường.

Ảnh minh họa

Theo nghiên cứu mới đây nhất của “nutrition journal”, trên 327 bé gái dùng sản phẩm đậu nành với những mức độ khác nhau cho thấy đậu nành không tác động đến thời điểm hành kinh của trẻ em.
Những nghiên cứu trên bé trai cũng cho thấy dùng đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành không làm thay đổi nồng độ hormone nam trong cơ thể cũng như tình trạng dậy thì của trẻ.

Vậy có nên tiếp tục cho trẻ uống sữa đậu nành hay ăn các chế phẩm từ đậu nành không? Liều lượng bao nhiêu là đủ?

Từ những nghiên cứu trên đây cho thấy đậu nành không gây khởi phát dậy thì sớm ở trẻ em. Bên cạnh đó, Vai trò của đậu nành trong phòng ngừa các bệnh mạn tính đã được nghiên cứu trên 30 năm.
Nhiều chứng cớ chỉ ra rằng, trừ trường hợp dị ứng với đạm đậu nành, vốn không thường gặp, đậu nành có thể được sử dụng an toàn cho trẻ nhỏ và trẻ vị thành thành niên.

Đậu nành giàu dinh dưỡng

Đậu nành có nguồn dinh dưỡng dồi dào, đặc biệt là nguồn protein chất lượng cao và các acid béo thiết yếu.
Đạm đậu nành có thể là một tiếp cận có giá trị đối trong xử trí tăng cholesterol ở trẻ em. Khi được sử dụng từ nhỏ, những thức ăn này có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú sau này.

Từ đó chúng ta thấy việc tiêu thụ đậu nành mang lại khá nhiều lợi ích, vậy thì hãy tiếp tục sử dụng đậu nành cho trẻ em nhé.

Lượng tiêu thụ đậu nành trong ngày bao nhiêu là đủ, là an toàn?

Thực tế, dù là tác dụng dinh dưỡng hay tốt cho sức khỏe của bất kỳ một loại thức ăn đơn lẻ nào cũng cần tuân theo những nguyên tắc cơ bản về tính đa dạng và mức độ vừa phải của từng loại. Dựa vào kết quả của nhiều nghiên cứu về lâm sàng và dịch tễ, dữ liệu về tiêu thụ đậu nành ở người Châu Á và những nguyên tắc dinh dưỡng cơ bản, khuyến cáo về lượng đạm đậu nành thích hợp mỗi ngày ở trẻ trước tuổi đi học và lứa tuổi học đường là 5-10 g/ngày – tương đương với khoảng 1 khẩu phần ăn đậu nành truyền thống. Ví dụ như:

Ảnh minh họa
  • Sữa đậu nành 250g chứa 7.5g đạm đậu nành.
  • Sữa chua đậu nành 125g chứa 4.5-5 gram đạm đậu nành.
  • Hạt đậu nành khô 85g chứa 14 gram đạm đậu nành.
  • Tàu hủ chiên 50g chứa 14 gram đạm đậu nành
  • Tàu hủ non 75g chứa 11.5 gram đạm đậu nành.

Bên cạnh đó, đừng quên cung cấp trẻ 1 chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý để duy trì phát triển thể chất cân đối, ngăn ngừa béo phì – 1 yếu tố nguy cơ của khá nhiều bệnh tật, trong đó có cả tình trạng dậy thì sớm mà các bậc phụ huynh đang quan tâm nhé! Disclaimer: bài viết này được đưa ra với mong muốn được đưa ra cho các bạn thông tin khoa học khách quan, và hoàn toàn không bị tài trợ hoặc ảnh hưởng bởi các sản phẩm liên quan đến đậu nành hoặc các công ty sản xuất sản phẩm liên quan đến đậu nành.

Nguồn: Phòng khám Happy Baby
BS. HỒ THỊ NGỌC BÍCH
Nội tổng quát Nhi – Chuyên khoa Nội Tiết Nhi
HAPPY BABY GROUP

Tài liệu tham khảo:Clinical studies show no effects of soy protein or isoflavones on reproductive hormones in men: results of a meta-analysis. Fert Sterl 2010. Hamilton-Reeves et al.
Environmental exposures and puberty in inner-city girls. Environ Res. 2008;107:393–400. Wolff MS, Britton JA, Boguski L, et al.
Environmental phenols and pubertal development in girls. Environ Int. 2015;84:174–180. Wolff MS, Teitelbaum SL, McGovern K, et al.
Health impact of childhood and adolescent soy consumption. Nutrition ReviewsVR Vol. 0(0):1–16, 2017. Mark Messina, Marcelo Macedo Rogero, Mauro Fisberg, and Dan Waitzberg.
Soya, food and health, The Association of UK Dietitian.
The New Puberty: How to Navigate Early Development in Today’s Girls (2015). De Louise Greenspan, Julianna Deardorff.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *